Một chiến dịch Facebook marketing thành công cần những yếu tố nào?
Facebook tuy không phải là mạng xã hội đầu tiên, nhưng là một trong những trang mạng xã hội hàng đầu khi được hơn một tỉ người trên khắp thế giới đón nhận và trở thành một phần trong cuộc sống của họ.
Từ khi được sáng lập, Facebook luôn thay đổi không ngừng, và có thể nói Facebook đang là mạng xã hội phong phú nhưng cũng phức tạp nhất hiện nay. Những chức năng đa dạng và cách tiếp cận người dùng của Facebook mở ra cho chúng ta cơ hội khổng lồ để tiếp thị sản phẩm và dịch vụ ra thị trường. Nhưng làm thế nào để xây dựng được chiến lược marketing thực sự thành công trên Facebook? Trong bài viết này, SDmedia giới thiệu đến các bạn cẩm nang “Từ A đến Z” những yếu tố làm nên thành công của một chiến dịch marketing trên Facebook.
Algorithm – Thuật toán
Kể từ năm 2011, Facebook đã không còn hiển thị news feed theo trình tự thời gian nữa. Họ đã phát triển một thuật toán phức tạp để lựa chọn và gửi đến new feeds của bạn những cập nhật phù hợp nhất.
Điều này rất quan trọng, vì mỗi khi bạn đăng nhập, trung bình tất cả bạn bè và những trang mà bạn theo dõi trên Facebook đã tạo ra từ 1.500 đến 15.000 update mới.
Bạn không thể nào xem hết toàn bộ các bài post đó. Vì vậy, Facebook sẽ đánh giá một vài yếu tố chính chẳng hạn như mức độ khả năng tương tác, để quyết định đem đến cho người sử dụng những thông tin gì.
Boosted Posts – Boost bài đăng
Sau khi bạn post một status, một hình ảnh, hay đường link lên trang Facebook, bạn có thể boost bài post này.
Sử dụng hợp lý chức năng boost sẽ giúp trang Facebook của bạn tiếp cận được với đông đảo người sử dụng hơn và gia tăng lượng follower. Khi nhận thấy một update đặc biệt thành công, Facebook sẽ nhắc bạn boost bài post này để nhiều người biết đến nó hơn. Những update “gây sốt” này là một công cụ tuyệt vời để phát triển trang Facebook.
Call-to-Action – Kêu gọi hành động
Nút kêu gọi hành động Call-to-action (Shop Now, Contact Us, Sign Up…) nằm ở góc dưới bên phải của ảnh cover, bên trái nút Like của trang. Ở chế độ mặc định, bạn sẽ không thấy được nút này, nên đừng quên kích hoạt nó khi cài đặt trang nhé!
Bạn có thể dẫn người dùng từ trang Facebook của mình đến một website mà bạn muốn, ví dụ như một trang bán hàng, trang download, hay một mẫu đăng ký nhận newsletter.
Discussion – Thảo luận
Bạn phải thừa nhận đôi khi comment còn thú vị hơn cả chính bài post phải không nào? Vì vậy, khuyến khích bình luận là một điều bạn nên lưu ý khi đăng bài. Bạn có thể đặt câu hỏi, hoặc viết một câu status kích thích người khác đáp lại, biết đâu sẽ nhận được những comment hết sức “bá đạo”! Bạn cũng có thể đưa ra một vấn đề gây tranh cãi khiến mọi người phải comment để phản biện.
Engagement – Tương tác
Tương tác là chìa khóa thành công trên Facebook. Thuật toán của Facebook khiến bài post của bạn ban đầu chỉ được hiển thị trên news feed của một phần nhỏ trong tổng số fan mà bạn có.
Muốn đạt lượng organic reach cao hơn, tức là nhiều người biết đến bạn một cách tự nhiên, không qua quảng cáo hay boost, bạn phải chứng minh được rằng những bài post của mình có tính tương tác cao, được nhiều người like hay react, comment, share, và click. Nói đơn giản, càng nhiều fan tương tác với các update của bạn, thì càng nhiều người sẽ thấy chúng.
Frequency – Tần số
Frequency là một chỉ số thống kê quan trọng trong Ad Manager mà ít người chú ý đến. Chỉ số này cho bạn biết số lần trung bình mà các khán giả mục tiêu thấy quảng cáo của bạn trên Facebook.
Chỉ số Frequency không nên quá thấp, vì người xem có thể bỏ lỡ quảng cáo của bạn trong một hai lần đầu nó được hiển thị. Mặt khác, chỉ số này cũng không nên quá cao, vì điều này đồng nghĩa mọi người cứ thấy ad của bạn hoài.
AdEspresso khuyên bạn nên điều chỉnh chiến dịch của mình khi Frequency đạt mức tối thiểu 5, và đừng bao giờ để vượt quá 10.
Gratitude – Cảm kích
Nếu fan dành thời gian tương tác với trang của bạn — có thể là comment post, viết lên page, hay thậm chí gửi tin nhắn — bạn nên nhất định phải hồi đáp lại bằng mọi cách có thể (kể cả 1 nút like cũng có thể chấp nhận được nếu như bạn không biết nên phản hồi họ làm sao).
Facebook có một chỉ số rất rõ ràng về tỉ lệ phản hồi của bạn. Nếu bạn có tỉ lệ phản hồi trên 90% và thời gian trả lời trung bình là 15 phút, bạn sẽ nhận được huy hiệu “very responsive to messages” (rất tích cực trả lời tin nhắn).
Humor – Hài hước
Sự hài hước và vui vẻ sẽ kéo mọi người lại gần nhau, nên còn gì bằng khi thương hiệu của bạn đem lại nụ cười cho người khác? Nhưng bạn cũng đừng vì vậy mà post nội dung gây cười liên tục, nếu không page của bạn sẽ thành haivl mất. Thỉnh thoảng, đưa vào một vài meme, câu nói vui, hay những clip “cười té ghế” sẽ khiến fan thích thú. Khi được sử dụng có chừng mực và tập trung vào thể loại hài hước phù hợp với đối tượng mục tiêu của page, thì chúng sẽ đem lại nhiều engagement và share cho bạn đấy!
Insights – Thông tin chi tiết
Tab Insights nằm ở đầu Fanpage, cung cấp và phân tích cho bạn đầy đủ dữ liệu hoạt động của trang. Hãy đặc biệt chú ý đến những update gần đây của bạn có lượng reach và engagement nổi trội. Bạn post chúng vào lúc nào? Nội dung của chúng thuộc dạng nào? Những thông tin quan trọng này giúp bạn nhận ra điều gì làm nên thành công hay thất bại của bài post, từ đó rút kinh nghiệm về sau.
Judgment – Tự đánh giá
Nghe có vẻ không chuyên nghiệp nhưng ngoài các công cụ hỗ trợ đo lường và đánh giá, việc quyết định nội dung nào là phù hợp, nội dung nào là không phù hợp với target audience phần nhiều dựa vào khả năng tự đánh giá của bản thân bạn.
Mẹo để content dễ hút tương tác là nắm bắt những dịp lễ đặc biệt, những sự kiện nổi bật hay trào lưu hiện hành để xây dựng các chiến dịch marketing, nhưng đừng sử dụng quá đà vì sẽ gây ảnh hưởng hình ảnh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp lâu dài về sau nữa. Hãy cân nhắc đâu là hướng đi đúng đắn cho page của bạn, và thỉnh thoảng, mạnh dạn mở con đường riêng cho chính mình.
KPIs - Đo lường hiệu quả
KPIs là viết tắt của Key Performance Indicators, là Chỉ số đo lường hiệu quả. Như tên gọi của mình, các chỉ số KPIs cho bạn biết Facebook Page của bạn hoạt động hiệu quả đến đâu.
Mọi thứ không đơn giản chỉ dừng lại ở số lượng like đâu nhé. Trung bình một post bạn đạt được bao nhiêu reach, các fan tương tác với trang của bạn như thế nào và được bao nhiêu, website của bạn nhận được bao nhiêu lượng truy cập qua Facebook... đều là những KPIs cần lưu ý.
Likes - Thích
Quá hiển nhiên, “L” phải là “like” thôi, vì số like đặc biệt quan trọng. Like giống như đơn vị tiền tệ của Facebook vậy.
Chú trọng số lượng fan của mình nhưng đừng mua fan ảo, mua like nhé. Điều này sẽ làm loãng cộng đồng fan và gây tác dụng ngược. Lượng reach và engagement của bạn sẽ giảm sút thảm hại vì số người thực sự thấy và tương tác với bài post mới sẽ thấp hơn nhiều (vì toàn là fan ảo còn đâu!).
Mobile - Điện thoại
Gần một nửa số người sử dụng Facebook chỉ truy cập trang mạng xã hội này trên smart phone hay tablet của mình. Đó là lý do bạn nên xây dựng một website có giao diện thân thiện với mobile, và tận dụng news feed ads vì đây là loại quảng cáo mà các đối tượng này sẽ nhìn thấy.
News feed - Bảng tin
News feed là khu vực chính mà hầu hết các fan sẽ tương tác với những bài post của bạn. Tuy nhiên, đôi khi họ lướt news feed khá nhanh và lơ đễnh.
Facebook dùng thuật toán để quyết định những gì được hiển thị trên news feed của một người, chủ yếu là cập nhật từ bạn bè, thỉnh thoảng xen kẽ vào đó là post của các page mà họ theo dõi hoặc những mẩu quảng cáo. Các bài post của bạn nhận được càng nhiều tương tác thì chúng càng có cơ hội xuất hiện ở đây.
Open Graph
Open graph meta tags là các đoạn mã giúp bạn điều chỉnh thông tin mô tả website mà bạn muốn hiển thị khi website này được chia sẻ trên mạng xã hội như Facebook và Twitter.
Bạn có thể tùy chỉnh ảnh thumbnail, tiêu đề của bài viết, và đoạn mô tả sẽ xuất hiện trên Facebook khi có người share đường link của bạn. Nếu bạn xây dựng trang web trên Word Press, bạn có thể cài plug-in miễn phí Yoast SEO để dễ dàng điều chỉnh các thông tin này cho Facebook.
Photos – Hình ảnh
Hãy dùng các hình ảnh bắt mắt, độc đáo, và phù hợp với nội dung nhất mà bạn có thể tìm thấy. Hình ảnh tự thiết kế hoặc tự chụp thì luôn thu hút được sự chú ý hơn là các ảnh stock rập khuôn và đi đâu cũng thấy xuất hiện. Tuy nhiên, phải là ảnh chất lượng cao đấy nhé!
Bạn nên tránh đăng nội dung toàn là chữ, mà phải luôn có hình ảnh đi kèm. Vì hình ảnh sẽ giúp bài post của bạn “chiếm diện tích” nhiều hơn trên news feed, và người khác sẽ dễ dàng trông thấy nó hơn.
Nếu bạn không thích ảnh thumbnail được hiển thị mặc định cho đường link mà bạn chia sẻ, bạn có thể thay ảnh khác bằng cách click vào biểu tượng dấu “+” và upload một ảnh mới.
Quality vs. Quantity – Chất lượng với Số lượng
Khi đăng bài lên Facebook, bạn phải đối mặt với cuộc đấu tranh giữa chất lượng và số lượng. Một mặt, vì những bài post của bạn không thể tiếp cận được một tỉ lệ lớn các followers, nên đăng bài thường xuyên sẽ là cách dễ dàng nhất để kết nối đều đặn với nhiều fan hơn.
Tuy nhiên, khi bạn cần đăng nội dung mới liên tục thì khó mà giữ được chất lượng bài post cao. Bạn nên nhanh chóng tìm cho mình một mức cân bằng giữa chất lượng và số lượng, đừng ngại thử nghiệm. Và một khi đã tìm ra hướng đi hiệu quả, hãy bám sát vào đó.
Reach – Tiếp cận
Organic reach là số người mà bài post của bạn có thể tiếp cận mà bạn không phải tốn xu nào. Con số này nhỏ đến bất ngờ, và càng ngày càng nhỏ hơn nữa chứ! Một cuộc nghiên cứu cho thấy tỉ lệ organic reach trung bình chỉ đạt 2,6%.
Paid reach là lượng khán giả mà bạn có được nhờ quảng cáo hay boost post. Organic reach và Paid reach sẽ được biểu diễn bằng hai màu sắc khác nhau trong mục Insights. Để tăng lượng người tiếp cận “tự nhiên” (Organic reach), bạn nên đăng những nội dung thu hút, khiến mọi người phải like, click, comment, hoặc share.
Shares – Chia sẻ
Thúc đẩy các fan share post của bạn là một trong những cách nhanh nhất để giúp post được lan truyền rộng rãi. Khi fan chia sẻ bài post, bạn bè của họ cũng sẽ thấy bài post này, và có thể, họ sẽ tiếp tục lan truyền nó trong cộng đồng kết nối của họ.
Nhưng bạn đâu thể đơn giản là yêu cầu thẳng fan của mình share bài viết – bạn cần đăng một nội dung mà mọi người tự nhiên muốn chia sẻ với bạn bè. Đó có thể là một thông tin hữu ích, một điều khó tin nhưng có thật, hay một clip hài hước. Điều này tùy thuộc vào đối tượng mục tiêu của bạn, và chẳng có công thức nào cụ thể cả.
Targeting – Xác định đối tượng mục tiêu
Facebook đem đến cho bạn những tùy chọn về mục tiêu có thể nói là phức tạp nhất trong thế giới marketing. Chọn đúng đối tượng mục tiêu là một công việc rất khó khăn, nhưng đồng thời lại vô cùng quan trọng.
Nếu nhắm đến quá nhiều đối tượng, bạn có thể tốn tiền để tiếp cận những người không quan tâm đến sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Nếu nhắm đến quá ít đối tượng, bạn sẽ trả rất nhiều tiền mà chỉ tiếp cận được một lượng người nhất định thôi, hoặc thậm chí tệ hơn là hoàn toàn bỏ lỡ khán giả lý tưởng của mình.
Users – Người sử dụng
Những bài post của bạn phải lấy người dùng làm trọng tâm. Tức là bạn không nên post quảng cáo sản phẩm và dịch vụ liên tục, vì các fan muốn xem nhiều thông tin hữu ích hơn là chỉ những đường link dẫn về website của bạn.
Họ muốn thấy những hình ảnh, những video thú vị, và những tin tức mới nhất trong ngành của bạn. Dù bạn post nội dung gì, điều đầu tiên bạn cần chú ý lưu tâm là các fan sẽ nhận được gì từ nội dung đó.
Video
Hiện nay các video trên Facebook đều chạy tự động, nhờ vậy mà có lẽ video đã trở thành loại nội dung thu hút tương tác nhất. Video thường tiếp cận được tỉ lệ fan cao hơn những dạng bài post khác như hình ảnh hay đường link. Trong năm 2015, tổng thời lượng người dùng Facebook xem các video lên đến hơn 100 triệu giờ.
Word of Mouth – Truyền miệng
Truyền miệng là một trong những cách hiệu quả nhất để gia tăng số lượng fan tự nhiên. Mọi người thường tin tưởng vào ý kiến đánh giá của bạn bè, vì vậy, bạn có thể tận dụng điều này bằng cách sử dụng tính năng nhắm mục tiêu “Bạn bè của những người thích trang của bạn” khi tạo Ad trên Facebook.
Mẩu quảng cáo mà bạn đang chạy sẽ được đặt trong news feed của họ, đồng thời kèm theo câu chỉ rõ ai trong số bạn bè của họ cũng đang thích trang của bạn. Đây sẽ là động lực thúc đẩy họ ghé thăm và like trang.
X Marks the Spot – Ghi chú
Không có “kho bí kíp” nào cho bạn biết tường tận cách xác định mục tiêu quảng cáo, hay lúc nào bạn nên đăng bài mới để bắt được lượng người online cao nhất. Bạn cần phân tích cặn kẽ các thống kê trong Insights, đồng thời thí nghiệm nhiều phương pháp mới có thể tìm ra cách tốt nhất để quảng bá cho page của mình.
Một trong những cách tốt nhất để theo dõi page và rút kinh nghiệm đó là ghi chú lại các bài post và mẩu quảng cáo thành công nhất của bạn, và tiếp tục áp dụng mô hình của chúng trong tương lai.
You – Bạn
Các update của page phải hướng đến “bạn”, không phải là “tôi”. Hãy dùng ngôi thứ hai thay cho ngôi thứ nhất để kết nối chặt chẽ hơn với người đọc. Đây là nguyên tắc copywriting cơ bản!
Zealots – Fan cuồng
Trong bối cảnh đời thường, fan cuồng có thể trở thành một mối phiền toái. Nhưng khi làm Facebook marketing, bạn rất cần lực lượng này để comment, share post tích cực, và nói tốt về thương hiệu của bạn với bạn bè của họ.
Bạn nên chăm sóc tốt cho fan của mình để biến họ thành những fan trung thành. Fan là một trong những tài sản đáng quý nhất mà một thương hiệu có được.
Tạm kết
Facebook hiện nay đang là kênh quảng cáo hiệu quả và chiếm chi phí tương đối thấp so với những giải pháp quảng cáo truyền thống. Thế nhưng Facebook Marketing thực sự là một chiến trường dành cho những người làm Marketer vì không phải chỉ cần có vốn mạnh chi nhiều là chúng ta có thể thành công.
Làm thế nào để trong hàng nghìn thông điệp đang "xếp hàng" chờ được hiển thị đến khách hàng mục tiêu thì thông điệp của chúng ta được tối ưu hóa độ tương tác mà vẫn tối thiểu hóa được số tiền chi ra cho quảng cáo? Làm thế nào để số tiền này là đầu tư chứ không phải là chi phí? Vấn đề nằm ở cách thực hiện của các Marketer.
Với bài blog tuần này, những gì mà chúng tôi chia sẻ chỉ là những kiến thức cơ bản về Facebook marketing. Để đạt được mục tiêu mong muốn, trước hết các bạn cần hiểu rõ về sản phẩm của mình, từ đó xác định đúng đối tượng khách hàng, hiểu hành vi của họ trước khi thực hiện tối ưu hoá lượng tương tác. Tất cả các bước hành động trên đều phải được đo lường một cách cụ thể để có phương án tối ưu trong từng tình huống và giai đoạn. Chúc các bạn luôn thành công trong lĩnh vực facebook marketing và hãy chia sẻ với chúng tôi những kinh nghiệm và kiến thức hay hơn nhé!
Nguồn: designschool.canva.com | Biên dịch & biên tập: SDmedia