7 mục không thể thiếu trong cẩm nang thương hiệu

Chủ đề:

Soạn cẩm nang thương hiệu (hay brand guidelines / brand book) là một trong những bước thiết yếu đầu tiên trong xây dựng thương hiệu. Brand guidelines giúp tất cả những ai làm việc cho thương hiệu hiểu về những tinh hoa cốt lõi của thương hiệu, cũng như những quy định về hình ảnh, nội dung để thể hiện thương hiệu một cách nhất quán và nổi bật trên mọi kênh.

Brand guidelines không chỉ bao gồm những hướng dẫn về logo, font chữ, màu sắc… Để xây dựng một brand guidelines hiệu quả, bạn cần dự tính một loạt những trường hợp có thể gặp và đưa ra cách ứng dụng các yếu tố thương hiệu sao cho phù hợp... và còn hơn thế nữa.  Hãy bắt đầu với 7 mục không thể thiếu trong cẩm nang thương hiệu sau đây. Đọc tiếp để tìm hiểu nhé.

 

1. Màu sắc và font chữ

Màu sắc và font chữ của một thương hiệu cũng quan trọng không kém gì logo trong việc nói lên mục tiêu và giá trị của thương hiệu đó. Vì vậy, bạn cần có chiến lược phù hợp khi lựa chọn những yếu tố này.

Brand guidelines của bạn nhất định phải có những quy định về bảng màu/font chữ thương hiệu, màu chính, màu phụ trợ, thứ bậc sử dụng… Màu sắc và font chữ hoàn toàn có khả năng ảnh hưởng đến cảm nhận và tâm lý của người tiêu dùng. Bạn đâu muốn tạo ấn tượng sai về thương hiệu của mình phải không nào?

 

2. Biến thể logo

Là hình ảnh đại diện của thương hiệu, logo cần được ứng dụng nhất quán và đúng quy chuẩn ở bất kỳ vị trí xuất hiện nào.

Brand book của bạn cần đưa ra hướng dẫn về các biến thể logo và các trường hợp sử dụng đúng/sai đối với từng dạng. Ví dụ, thông thường bạn sẽ muốn màu sắc thương hiệu của mình tỏa sáng, nhưng một số trường hợp đòi hỏi sử dụng logo đơn sắc trắng/đen để đảm bảo tính tương phản. Đôi khi bạn có thể để phần biểu tượng đứng một mình, đôi khi đi kèm với tên thương hiệu. Khi có những quy định rõ ràng như thế này, mọi người trong team sẽ không bị bối rối khi ứng dụng logo.

 

3. Icon và hình minh họa

Nếu bạn muốn thương hiệu của mình nổi bật và tạo sự khác biệt, bạn cần xây dựng bộ icon, hoa văn, hình minh họa riêng và từ bỏ các ảnh stock tải trên mạng.

Ảnh stock có thể được sử dụng ở bất cứ đâu, bởi bất kỳ ai – kể cả đối thủ cạnh tranh của bạn. Ảnh stock bạn sử dụng trên trang web chính thức hay tài liệu quảng cáo không thực sự là của bạn và không đại diện cho chỉ mình thương hiệu của bạn.

Khi xây dựng bộ icon và phong cách minh họa riêng cho thương hiệu trong brand book, bạn sẽ đảm bảo mọi thiết kế truyền thông đều được ứng dụng đúng, bám sát và làm nổi bật thương hiệu của mình.

 

4. Phong cách ảnh chụp

Ảnh chụp là một yếu tố không thể thiếu trong hoạt động quảng bá của doanh nghiệp. Đó là lý do tại sao bạn cũng cần định hình phong cách nhiếp ảnh phù hợp với thương hiệu của mình. Ảnh chụp của bạn bắt buộc phải có người hay chỉ phong cảnh? Bạn muốn màu sắc rực rỡ trẻ trung hay nhẹ nhàng thanh lịch?

Hướng dẫn về phong cách ảnh chụp trong brand book sẽ hỗ trợ cho các photographer và designer trong quá trình chụp ảnh quảng cáo (hay đôi khi là chọn ảnh stock) và lên thiết kế cho thương hiệu của bạn.

 

5. Trực quan hóa dữ liệu

Trực quan hóa dữ liệu là sự kết hợp giữa thống kê và nghệ thuật. Ngoài việc trình bày số liệu, các yếu tố trực quan hóa dữ liệu tất nhiên còn phải đẹp mắt và ấn tượng. Vì vậy, có rất nhiều lý do khiến bạn cần đưa ra một hướng dẫn thống nhất về mặt phong cách hình ảnh cho các biểu đồ của doanh nghiệp mình. Chẳng hạn cần sử dụng loại font hoặc màu sắc nào? Ngoài bảng màu chính của thương hiệu, có thể dùng những màu bổ trợ nào? Sau đó, bạn còn có thể thiết kế sẵn các template báo cáo, biểu đồ, đồ thị… có thể dễ dàng nhập số liệu mới vào để trình bày theo phong cách định sẵn.

 

6. Tông giọng thương hiệu

Tông giọng là một trong những yếu tố thể hiện nên tính cách thương hiệu. Ngay cả trong một thế giới thiên về hình ảnh như hiện nay thì những gì bạn nói và cách bạn nói vẫn chiếm một vị trí quan trọng. Tông giọng không chỉ là cách lựa chọn từ ngữ mà còn là phong cách giao tiếp khác nhau tùy vào đối tượng, tình huống hay kênh truyền thông. Xác định tông giọng thương hiệu trong brand book sẽ giúp các copywriter làm việc cho bạn biết được nên cân nhắc ngôn ngữ như thế nào, dù là để viết blog, trang web hay email marketing.

 

7. Hướng dẫn cho từng kênh truyền thông

Thương hiệu của bạn có thể chọn một số kênh truyền thông / mạng xã hội chính, và hoàn toàn có lý do để bỏ qua một số kênh khác. Brand book của bạn cần đưa ra hướng dẫn cho các kênh truyền thông chính, gồm những điểm như:

  • Ý chính – Bài đăng trên kênh này tập trung vào những kiểu nội dung nào và nhằm mục đích gì?
  • Hình ảnh trọng tâm – Đâu là phong cách hình ảnh chủ đạo cho kênh truyền thông này, vì sao?
  • Giới hạn – Một số quy định của kênh về kích thước hình ảnh, số lượng chữ, tỷ lệ chữ trên hình, v.v…

 

Trên hết, brand book đóng vai trò là tài liệu tham khảo toàn diện cho mọi ứng dụng trong suốt cuộc đời hoạt động của thương hiệu. Hãy dành thời gian để đưa ra những quyết định đúng đắn và trình bày những quyết định này một cách kỹ lưỡng trong brand book. Bạn sẽ dễ dàng làm việc với bất kỳ ai chạm vào công việc sáng tạo cho thương hiệu của bạn và tránh được những lỗi sai không đáng có.

Theo: Killer Visual Strategies

https://killervisualstrategies.com/blog/7-elements-every-brand-book-needs.html

 

Theo dõi SDmedia trên:

Facebook:http://https://www.facebook.com/sdmedia.vn

Pinterest: https://www.pinterest.com/sdmediavn

« Bài trước
Bài tiếp »

Bài viết liên quan

Lưu trữ