Khi thiết kế logo, bạn đang thực hiện một trong những quyết định quan trọng nhất trong xây dựng thương hiệu – đó là cho ra đời một hình ảnh đại diện gắn bó đường dài với thương hiệu.
Có nhiều yếu tố bạn phải cân nhắc trong quá trình thiết kế logo: Logo cần truyền tải những giá trị cốt lõi của thương hiệu, dễ nhận diện và có khả năng ứng dụng linh hoạt.
Làm thế nào để logo của bạn đạt được những tiêu chí trên? Có thể bạn nên bắt đầu bằng việc chọn LOẠI LOGO phù hợp cho thương hiệu, vì mỗi loại có những ưu-nhược điểm và những đặc trưng cần lưu ý cho một số ngành nghề. Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.
Logo chữ viết tắt (Lettermark)
Lettermark hay monogram là dạng logo chỉ gồm các chữ cái, thường là tên viết tắt của thương hiệu như HP, CNN, NASA, IBM...
Logo lettermark chú trọng tính đơn giản. Và vì tâm điểm chú ý dồn hết vào các con chữ, bạn cần đảm bảo kiểu font cho logo phải phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của công ty và dễ đọc trên các sản phẩm in ấn. Ngoài ra, nếu thương hiệu của bạn còn non trẻ, bạn có thể chọn ghi tên đầy đủ bên dưới logo để người tiêu dùng bắt đầu làm quen và nhận diện dễ dàng hơn.
Logo linh vật
Bạn có thể sáng tạo ra một linh vật cho thương hiệu và đưa thẳng vào logo. Linh vật là một nhân vật được vẽ theo phong cách hoạt hình vui nhộn và sinh động. Khi dùng logo linh vật, bạn tự nhiên có được một đại sứ hay người phát ngôn cho thương hiệu của mình. Logo linh vật rất phù hợp với các thương hiệu muốn tạo cảm giác gần gũi, thu hút đối tượng trẻ em và gia đình. Hãy nhìn những logo linh vật nổi tiếng như KFC hay Pringles mà xem!
Logo huy hiệu
Logo huy hiệu gồm phần chữ nằm trong một biểu tượng tạo thành một huy hiệu. Những logo này có một dáng vẻ truyền thống đặc trưng, nên thường là lựa chọn số 1 của các trường học, tổ chức hay cơ quan. Loại logo này cũng được các hãng ô tô xe máy rất ưa chuộng. Một số thương hiệu như BMW đã phát triển logo huy hiệu của họ theo phong cách rất hiện đại để hòa nhịp với thế kỷ 21.
Do thiên về chi tiết, logo huy hiệu có nhược điểm là khó ứng dụng linh hoạt. Chẳng hạn khi thiết kế danh thiếp, nếu bạn thu nhỏ logo huy hiệu quá mức thì sẽ khiến phần chữ trên logo trở nên khó đọc. Vì vậy, bạn cần nhớ quy tắc là giữ cho thiết kế tinh gọn và rõ ràng từng đường nét.
Logo chữ (Wordmark)
Tương tự như lettermark, wordmark (hay logotype) là logo dạng chữ chủ yếu tập trung vào tên thương hiệu. Logo wordmark đặc biệt hiệu quả nếu thương hiệu của bạn có một cái tên ngắn gọn và dễ nhớ. Điển hình như CocaCola hay Google. Khi kết hợp với typography bắt mắt, logo chữ đem lại khả năng nhận diện thương hiệu vô cùng mạnh mẽ.
Với logo dạng này, lựa chọn typography là quyết định rất quan trọng. Vì mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào tên thương hiệu, bộ font bạn dùng cần thể hiện chuẩn xác tinh thần của thương hiệu – ví dụ những hãng thời trang thường dùng font gọn gàng, tinh tế, cho cảm giác cao cấp. Trong khi cơ quan chính phủ luôn gắn bó với những font truyền thống, nét đậm tạo sự vững chắc, đáng tin cậy.
Logo trừu tượng
Logo trừu tượng là một kiểu logo dạng hình ảnh. Nhưng thay vì là một hình ảnh có thể nhận diện được – như quả táo hay chú chim – người ta dùng một hình khối trừu tượng để đại diện cho thương hiệu của mình. Một số ví dụ nổi tiếng là logo của Pepsi hay Adidas.
Logo trừu tượng cho phép bạn sáng tạo nên một biểu tượng thực sự độc nhất, thể hiện cô đọng ý nghĩa thương hiệu mà không bị trói buộc bởi hàm ý của một vật thể cụ thể nào. Chỉ bằng màu sắc và hình khối, bạn có thể ấn định thông điệp và cảm xúc bất kỳ mà thương hiệu muốn truyền tải vào logo, như cách mà Nike đưa ý niệm về sự vận động và tự do vào logo hình nét phết của họ.
Logo biểu tượng
Logo biểu tượng cũng là logo dạng hình ảnh. Đó chính là quả táo của Apple, chú chim của Twitter hay chiếc bia mục tiêu của Target. Những thương hiệu này đã quá nổi tiếng đến mức mọi người có thể lập tức nhận ra họ qua biểu tượng của logo. Tuy nhiên, các thương hiệu mới có thể gặp vấn đề trong xây dựng nhận diện thương hiệu với loại logo này vì nó chỉ là một biểu tượng đơn thuần.
Điều quan trọng nhất bạn cần cân nhắc là chọn hình ảnh nào, vì nó sẽ gắn với thương hiệu của bạn trọn quá trình phát triển. Bạn cần nghĩ về ý nghĩa rộng hơn của biểu tượng mà bạn chọn: đó là một phần của tên thương hiệu (Domino), hay tượng trưng cho chức năng của sản phẩm (Snapchat), hay khơi gợi lên cảm xúc (WWF)?
Logo kết hợp
Logo kết hợp là logo gồm cả phần chữ (letter mark, wordmark) và phần hình (trừu tượng, biểu tượng, hay linh vật). Phần hình và chữ có thể đặt cạnh nhau, trên dưới hoặc đan xen vào nhau, như logo của Pizza Hut, Burger King hay Discovery.
Logo kết hợp là sự lựa chọn an toàn và linh hoạt. Cả phần chữ và phần hình cùng góp phần củng cố nhận diện thương hiệu cho bạn, vì người tiêu dùng có thể lập tức liên tưởng tên thương hiệu với hình ảnh tượng trưng. Trong một số trường hợp, bạn có thể dùng riêng phần biểu tượng chứ không phải lúc nào cũng có phần tên đi cùng. Loại logo này cũng dễ đăng ký bản quyền hơn so với logo chỉ có hình.
Mỗi chi tiết trên logo — màu sắc, font chữ, kích thước, hình dáng… — đều góp phần tạo nên ấn tượng mà thương hiệu muốn để lại nơi người tiêu dùng. Logo không phải là tất cả, có những logo trở nên nổi tiếng nhờ uy tín do chính thương hiệu gầy dựng được, nhưng một thiết kế logo hiệu quả ngay từ đầu là cơ hội tốt nhất để đưa thương hiệu của bạn vào lòng công chúng.
Nguồn: Picante
https://picante.today/latest-news/2020/06/12/152048/all-seven-types-of-logos-and-what-you-should-know-about-them/
Theo dõi SDmedia trên:
Facebook: https://www.facebook.com/sdmedia.vn
Pinterest: http://https://www.pinterest.com/sdmediavn