Sẽ có đôi lần một graphic designer được yêu cầu thiết kế một website cho doanh nghiệp mới. Điều này khó khăn hơn nhiều so với tạo trang web cho một doanh nghiệp có sẵn danh tiếng bởi trong hầu hết các trường hợp, trang web này sẽ cùng lúc đóng nhiều vai trò: một công cụ quảng bá duy nhất của doanh nghiệp trên thế giới ảo, kiêm kênh liên lạc với khách hàng kiêm kênh bán hàng qua mạng.
Sau đây là 10 lời khuyên dành cho những graphic designer, giúp bạn xây dựng một website cho “kẻ mới nhập cuộc thương trường” sao cho đảm bảo lợi nhuận cho nhất cho đầu tư của khách hàng của bạn.
1. Phối hợp chặt chẽ với khách hàng
Khách hàng của bạn sẽ cung cấp cho bạn yêu cầu của họ, và bạn sẽ là người hữu hình hóa yêu cầu đó. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, khách hàng của bạn hầu như không biết họ muốn điều gì, ngoại trừ muốn một trang web. Công việc của bạn là phải làm việc với họ, tìm ra những yêu cầu cụ thể cũng như mong đợi của khách hàng cho website. Quá trình phối hợp này nên được tiếp tục trong suốt quá trình thực hiện dự án. Hãy luôn hỏi ý kiến của khách hàng trong mỗi bước tiến mới của dự án và hãy chắc chắn rằng mọi bước đi của bạn đạt đến kì vọng của họ.
2. Hình thức tuân thủ chức năng
Trang web này để làm gì? Nếu nó được dung để bán hàng là chính, bạn nên chú ý đến những giải pháp phục vụ công việc này. Hoặc, nếu trang web chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin về thương hiệu và những sản phẩm-dịch vụ của khách hàng, bạn nên lên một hệ thống dòng chảy nội dung một cách hợp lý. Đây là một điều cực kỳ quan trọng bởi chọn hình thức trình bày thích hợp sẽ giúp bạn thể hiện hết những chức năng website.
Từ góc nhìn của một doanh nghiệp mới thành lập, việc “hình thức tuân thủ chức năng” nghe có vẻ không ấn tượng lắm bởi họ rất cần nhanh chóng tạo được ấn tượng mạnh đối với người dùng Internet. Bạn phải giải thích cho họ hiểu rằng, điều này là hoàn toàn không thể nếu như trang web không phục vụ cho nhu cầu của người sử dụng Internet.
3. Thể hiện được đặc tính thương hiệu
Một trong những mục tiêu của trang web là tạo ra nhận thức tích cực về thương hiệu, và đây là điều mà các doanh nghiệp mới luôn cần để xây dựng thương hiệu của mình. Vì thế, bạn nên chắc chắn rằng logo của khách hàng của bạn được trình bày nổi bật và có thể dễ dàng “trong tầm mắt” của người truy cập website.
Nhưng bất nhiêu là chưa đủ. Tất cả các yếu tố trên website, dù là nhỏ nhất, đều phải hòa hợp với nhau và thể hiện được đặc tính thương hiệu (brand identity). Bạn phải đảm bảo được rằng sau khi vào trang web, người truy cập sẽ nhận diện được trang web với thương hiệu, và ngược lại.
Sau đây là một vài trang web dành cho doanh nghiệp mới được bình chọn là tốt nhất của năm 2013:
https://www.snapchat.com/
https://www.uber.com/
https://www.hoteltonight.com/
4. Mục tiêu rõ ràng
Tập trung vào việc thể hiện thông điệp của website. Một vài graphic designer chỉ chú trọng với việc tạo ấn tượng bằng thiết kế đẹp, tuy nhiên điều này không quan trọng bằng thỏa mãn yêu cầu hàng đầu của khách hàng. Bạn có thể thể hiện rõ ràng thông điệp của trang web ngay tại trang chủ, điều cốt lõi là bạn hãy đừng làm phí phạm quá nhiều thời gian của người truy cập.
Ví dụ, trang PadMatcher dù có thiết kế không quá nổi bật nhưng lại có một thông điệp rõ ràng: Real Pads. Real People. Padmatcher takes the hassle out of the rental process, helping you find perfect roommates and apartments. Người truy cập không cần phải làm gì cả, ngay khi truy cập vào trang, họ đã biết rằng đây là nơi giúp họ tìm bạn chung phòng hoặc nhà cho thuê.
5. Vươn đến sự đáng tin cậy
Khi mới thành lập, lẽ dĩ nhiên doanh nghiệp – khách hàng của bạn – sẽ phải đối đầu với thử thách là cạnh tranh với những đối thủ là các doanh nghiệp đi trước hoặc có sẵn danh tiếng trong ngành hàng với họ. Điều này không hề dễ dàng, nhưng nếu khách hàng của bạn có một trang web nhìn “đáng tin cậy” thì việc cạnh tranh sẽ ít nhiều bớt khó khăn. Để làm được điều này, bạn cần có những thông tin và hình ảnh liên quan đến sản phẩm-dịch vụ của khách hàng. Bạn nên nhớ, bạn phải làm cho người tiêu dùng của khách hàng bạn cảm thấy yên tâm khi mua sản phẩm.
6. Đừng bỏ qua điện thoại di động
Vì là doanh nghiệp mới thành lập nên khách hàng của bạn sẽ không thể bỏ lỡ cơ hội tiếp cận người tiêu dùng tiềm năng. Và đây cũng là lý do vì sao website phiên bản giao diện điện thoại ra đời. Là người thiết kế trang web, bạn phải chắc chắn rằng nó có thể chạy mượt trên giao diện kích thước nhỏ như điện thoại di động.
7. Chú ý đến những chi tiết nhỏ
Những chi tiết nhỏ trên website tưởng chừng như không quan trọng nhưng thực tế, chúng đóng một vai trò không nhỏ trong sự thành công của một trang web. Tất cả hình ảnh đều phải thu hút; tất cả những trang nhỏ trên website đều phải nhìn thống nhất và có liên hệ với nhau; chữ phải dễ đọc và nhìn đẹp mắt; tất cả nội dung phải chiếm được quan tâm của người đọc; và trình bày trang web (navigation) phải cực kỳ dễ sử dụng…
8. Tận dụng SEO
Hãy chắc chắn rằng nội dung trang web của bạn dễ dàng đến được với những người dùng trình duyệt (Google, Yahoo, Bing…) khi họ tìm kiếm từ khóa. Nguyên tắc vàng để tận dụng SEO là: đừng thiết kế để tương thích với các search engine mà hãy thiết kế cho người sử dụng. Nghĩa là, nếu bạn thiết kế dễ sử dụng cho người dùng Internet (dễ đọc, không tốn quá nhiều thời gian để tìm cái gì đang ở đâu, thống nhất trong phong cách cách thiết kế và đặc biệt là phải tải dữ liệu nhanh), trang web của bạn sẽ có thứ hạng cao trong SERPs (search engine result pages – trang kết quả tìm kiếm).
9. Làm tốt những yếu tố cơ bản và không dài dòng
Hãy bắt đầu và làm tốt những yếu tố cơ bản của một trang web (màu sắc, đường nét, hình khối, kích thước, khoảng không…).
Người sử dụng Internet thường không dành thời gian để ngưỡng mộ thiết kế của bạn, mà thay vào đó là tìm kiếm thông tin họ cần. Bởi vậy, hãy cho người dùng Internet thứ mà họ muốn! Đừng quá dài dòng, phô diễn nội dung hay kĩ thuật buộc người truy cập phải thao tác quá nhiều.
10. Hãy xem thử thách là cơ hội
Dù khó khăn, nhưng bạn hãy xem đó là cơ hội thể hiện và khám phá khả năng của bản thân. Hãy thiết một trang web thật nổi bật, thỏa mãn yêu cầu của khách hàng, bạn sẽ tự tin để bước tiếp đến những dự án thử thách khác nữa.