Trước khi xác định thiết kế in ấn là công việc sẽ theo đuổi lâu dài, bạn nên xem qua các thông tin về thiết kế đồ họa trong ngành công nghiệp in. Có thể chúng sẽ hỗ trợ đắc lực cho bạn trong việc tìm ra đam mê của mình trong lĩnh vực này. Các cấp bậc công việc trong ngành? Công việc hàng ngày của các vị trí này? Mức lương nhận được? Và làm cách nào để nhanh chóng phát triển kỹ năng của bản thân? Hãy cùng SDmedia tìm hiểu trong chuỗi bài blog về ngành thiết kế đồ họa in ấn sau nhé!
Phần 1: General Hands-On Design Careers: Các cấp bậc chính của designer
Entry Level Print Designer – Designer sơ cấp (mới bước vào nghề)
Mô tả công việc: Định nghĩa cụm từ “sơ cấp” sẽ khác nhau tùy công ty nhưng nhìn chung, các designer sơ cấp sẽ đảm nhiệm những công việc có thể nói là “nhỏ nhặt và đơn giản” mà những designer trình độ cao hơn không có thời gian để làm. Nó bao gồm mọi việc từ chỉnh sửa ảnh, sửa những lỗi nhỏ trên thiết kế trước đó, chuyển đổi file hoặc xuất file để đi in …
Sẽ không có nhiều cơ hội được sáng tạo trong các công việc ở vị trí này: designer sơ cấp chỉ làm việc trên các tiểu tiết đơn lẻ, không phải trên những ý tưởng lớn. Bạn sẽ làm việc dưới sự giám sát của những designer cấp cao hơn - là những người tư vấn cho bạn trong việc kết hợp giữa lý thuyết về thiết kế và thực tế trong công việc. Có đôi khi, bạn phải đảm nhận thêm công việc rất tủn mủn và vụn vặt như pha cà phê hoặc những việc lặt vặt chốn văn phòng.
Tại sao cần nền tảng về in ấn: Designer ở vị trí này đều muốn thăng tiến lên các vị trí cao hơn, do đó kiến thức và kinh nghiệm sẽ là điểm thuận lợi giúp bạn mau chóng vượt qua mốc này. Bắt đầu từ vị trí sơ cấp là cách tốt để nắm vững những kỹ năng thiết kế in ấn, có một kiến thức nền tốt sẽ giúp bạn tiến xa và nhanh hơn.
Học vấn/kinh nghiệm: Designer sơ cấp là vị trí cấp độ mới vào nghề nên ít bị yêu cầu cao về kinh nghiệm, nhưng bạn cần chuẩn bị sẵn những thiết kế mẫu để các nhà tuyển dụng tham khảo. Một số nhà tuyển dụng có thể sẽ đòi hỏi bạn phải có bằng cấp hoặc không. Tuy nhiên khi có bằng cấp liên quan sẽ giúp bạn có được vị trí tốt khi tiến trên bậc thang của nghề thiết kế đồ họa, mặc dù điều đó không có nghĩa là sẽ đảm bảo bạn được trả tiền công cao. Tài năng, kinh nghiệm và sự tự tin thường sẽ giúp bạn chiến thắng bằng cấp. Bạn cũng cần sử dụng tốt những phần mềm thiết kế tùy theo công ty, có thể là Photoshop, Illustrator, Corel, Quark và Windows Office.
Mức lương tại Mỹ: khoảng 36.000 USD/năm
Ưu điểm:
- Yêu cầu ít về kinh nghiệm/học vấn giúp bạn dễ tìm được việc trong khi đang học hoặc sau khi tốt nghiệp.
- Ít trách nhiệm và áp lực vì hiếm khi được giao các dự án quan trọng.
Khuyết điểm:
- Lương rất thấp, nhiều vị trí tập sự là thực tập không lương.
- Mức độ cạnh tranh cao.
- Không có không gian để sáng tạo và làm việc độc lập.
Mac Operator - Designer sơ cấp biết sử dụng máy Mac
Mô tả công việc: Nếu bạn đọc được thông tin một công ty tuyển dụng vị trí Mac Operator, thì hầu hết có nghĩa là công ty đó đang tìm một designer tập sự, biết sử dụng máy Mac, cụ thể hơn, có thể sử dụng những chương trình chính trong hệ điều hành Mac. Đối với những công ty sử dụng máy Mac trên toàn hệ thống, đây là 1 cách diễn đạt để loại bớt những ứng viên chỉ sử dụng Windows. Công việc sẽ giống với vị trí designer sơ cấp, điểm khác biệt là mọi công việc đều được thực hiện trên máy Mac.
Tại sao cần nền tảng về in ấn: Mac Operator sẽ cần kỹ năng sử dụng phần mềm thiết kế thành thạo trên máy Mac. Sự hiểu biết sâu sắc về thiết kế và những quy trình cần thiết để phục vụ mục đích in ấn sẽ giúp bạn trở thành ứng viên tiềm năng cho vị trí này.
Học vấn/kinh nghiệm: Tương tự vị trí sơ cấp, yêu cầu về học vấn/kinh nghiệm sẽ thay đổi tùy theo nhà tuyển dụng. Tuy nhiên ứng viên phải sử dụng Mac thành thạo.
Mức lương tại Mỹ: khoảng 36.000 USD/năm
Ưu điểm:
- Nhiều công ty thiết kế sử dụng máy Mac, nên nếu có kiến thức về hệ điều hành này sẽ giúp bạn dễ dàng tìm được việc sau đó.
- Yêu cầu ít kinh nghiệm/học vấn.
- Ít trách nhiệm và áp lực.
Khuyết điểm:
- Những designer sử dụng Windows và Linux không thể ứng tuyển.
- Lương rất thấp, nhiều vị trí tập sự là thực tập không lương.
- Ít không gian sáng tạo và ít quyền tự chủ.
Mid Level Print Designer - Designer cấp trung
Mô tả công việc: Thông thường, designer cấp trung được giao một số công việc mang tính sáng tạo và thiết kế của họ sẽ được ghi nhận như một phần của team design. Designer cấp trung thường báo cáo trực tiếp cho những designer cấp bậc cao hơn, có thể họ sẽ trên quyền hoặc ngang quyền designer sơ cấp. Công việc có thể bao gồm chỉnh sửa/cải thiện các thiết kế đơn giản, hoặc thử sức với các yêu cầu cao hơn.
Tại sao cần nền tảng về in ấn: Rất đơn giản, nếu không đủ kiến thức về in ấn và các kinh nghiệm thực tế, bạn sẽ không thể nào thoát khỏi cái mác “mới vào nghề”. Một designer cấp trung cần làm việc thành thục và hiệu quả ở nhiều khía cạnh trong ngành in ấn này.
Học vấn/kinh nghiệm: Một lần nữa được tùy thuộc vào nhà tuyển dụng. Một số công ty yêu cầu ít nhất bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành thiết kế hoặc chuyên ngành liên quan, và kinh nghiệm làm việc từ 2-6 năm. Đôi khi, các designer cấp trung phải hy sinh chấp nhận làm công việc của designer sơ cấp và bắt đầu lại từ đầu.
Mức lương tại Mỹ: khoảng 37.750 - 69.500 USD/năm
Ưu điểm:
- Được giao nhiều trách nhiệm và không gian để sáng tạo hơn.
- Nhiều cơ hội để thăng tiến hơn và được giao những dự án quan trọng hơn.
Khuyết điểm:
- Vẫn phải làm nhiều công việc thiết kế đơn giản.
- Có thể khá áp lực vì bạn có nhiều cấp trên và cấp dưới hơn.
Senior Level Print Designer - Designer cao cấp
Miêu tả nghề nghiệp: Với cơ hội nắm giữ quyền hành nhiều hơn, ở vị trí này bạn sẽ chịu trách nhiệm cho các dự án, là trưởng nhóm thiết kế và là người tiên phong trong các ý tưởng để giao lại cho các designer cấp dưới. Tuy nhiên, cũng có khả năng bạn là designer duy nhất trong công ty và không hề có cấp dưới nào cả, và chức danh “cao cấp” là dành cho kinh nghiệm. Nếu công ty chỉ có ngân sách cho 1-2 designers, họ sẽ muốn tuyển người có nhiều kinh nghiệm nhất.
Tại sao cần nền tảng về in ấn: Bạn chỉ đảm nhận được vị trí designer cao cấp sau một thời gian dài “chinh chiến” trong ngành này. In ấn cần là sở trường của bạn, vì bạn sẽ phải làm nhiều dự án liên quan đến nhiều vấn đề in ấn khác nhau.
Học vấn/kinh nghiệm: Thường cần ít nhất 6 năm kinh nghiệm. Nhiều công ty yêu cầu trình độ cử nhân về thiết kế hoặc marketing. Nói chung yêu cầu thay đổi tùy công ty nhưng kinh nghiệm càng cao thì cơ hội trúng tuyển càng lớn.
Mức lương tại Mỹ: khoảng 63.000-86.000 USD/năm
Ưu điểm:
- Lương cao, nhiều cơ hội quản lý và kiểm soát công việc.
- Đóng vai trò chỉ đạo, nên bạn có thể giao các việc nhỏ cho cấp dưới.
- Có vai trò quan trọng với công ty, giúp bạn có sự ổn định trong công việc. Sau này nếu tìm công việc khác cũng sẽ dễ dàng hơn.
Khuyết điểm:
- Cần nhiều kinh nghiệm và học vấn.
- Công việc nhiều áp lực.
Freelance/Self-Employed Print Designer - Designer thiết kế tự do
Mô tả công việc: Thay vì làm việc cố định cho 1 công ty, những designer này làm việc tự do. Tính linh động trong lựa chọn các dự án thiết kế cho họ sự thoải mái trong công việc, nhưng điều này cũng đi kèm với sự không ổn định. Sẽ có lúc, các designer này không biết trước được tương lai: dự án kế tiếp sẽ là gì, liệu khách hàng có muốn làm việc tiếp với mình hay không. Làm việc tự do giống như điều hành một doanh nghiệp nhỏ, vừa phải lo cho công việc vừa phải chiều lòng khách hàng.
Tại sao cần nền tảng về in ấn: Càng biết nhiều về in ấn, khả năng tìm được khách hàng càng cao. Ngoài ra bạn cũng có thể làm việc như một designer chuyên biệt về một lĩnh vực nhất định, Vd: nếu bạn thiết kế folder đẹp, bạn có thể giới thiệu bản thân như là một “chuyên gia thiết kế folder”, điều này giúp bạn chọn lọc được đối tượng khách hàng phù hợp cũng như gia tăng khả năng có được dự án khi khách hàng tìm đến bạn.
Mức lương tại Mỹ: tùy thuộc kinh nghiệm và địa điểm làm việc
Ưu điểm:
- Làm việc ở nhà, có lịch làm việc tự do, được lựa chọn khách hàng.
- Tự ra giá thiết kế, có mức độ kiểm soát đối với công việc của bạn.
- Có thể vừa làm vừa học, hoặc làm thêm công việc khác trong lúc làm freelance.
Khuyết điểm:
- Công việc không ổn định.
- Căng thẳng hơn vì phải giao tiếp với khách hàng và tự quản lý công việc.
- Đôi khi phải nhún nhường làm những việc không xứng với khả năng để trang trải cuộc sống.
Tạm kết Trong ngành thiết kế đồ họa, năng lực là yếu tố quyết định chứ không phải bằng cấp hay tuổi tác. Dù bạn mới ra trường, đang làm việc hay đang tìm kiếm cơ hội thăng tiến ở vị trí nào đi chăng nữa thì lời khuyên vẫn là “làm việc chăm chỉ, đặt câu hỏi và tiếp thu càng nhiều càng tốt từ những người có kinh nghiệm mà bạn làm việc chung bất kể vai trò công việc của họ là gì”. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn nhận ra mình sẽ và đang là ai trong ngành thiết kế đồ họa in ấn, từ đó có những định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Cùng theo dõi các bài blog tiếp theo của SDmedia để tìm hiểu thêm về các vị trí mang tính chuyên môn hơn của ngành thiết kế đồ họa nhé!
Nguồn: companyfolders.com | Biên dịch & Biên tập: SDmedia