Một chiến dịch tiếp thị thành công hội tụ đủ các yêu cầu ý tưởng hay, đơn giản và đẹp mắt. Nhưng ở hậu trường lại là cả một trận chiến ác liệt, bao gồm cả mâu thuẫn lớn giữa các thành viên trong nhóm dự án như account, designer, copywriter,… và cả khách hàng.
Không có ý tưởng lớn nào được hoàn thành chỉ bởi một cá nhân và thành phẩm cuối cùng cần qua nhiều lần đánh giá, chỉnh sửa và xét duyệt của các thành viên phụ trách trong dự án. Nhưng làm sao để đưa những feedback bác bỏ hoặc chỉnh sửa “đứa con tinh thần” của người sáng tạo mà không làm họ phiền lòng là cả một nghệ thuật.
Sau đây là một số cách để giảm căng thẳng cho quá trình feedback nhưng vẫn hướng đến một kết quả tốt cho công việc chung:
1. Góp ý một cách tích cực
Một thiết kế dù rất tệ vẫn có một điểm nào đó có thể cứu vãn, nên đừng chỉ trích quá kịch liệt, vì bạn sẽ làm tổn thương đến tự ái của người làm ra nó. Trước hết hãy “xoa dịu” lòng người bằng cách khen một vài điểm tốt trong thiết kế, sau đó góp ý các điểm hạn chế. Như vậy, những feedback của bạn sẽ dễ nghe hơn rất nhiều. Nếu đã cố gắng hết sức mà vẫn cảm thấy thiết kế không có gì để khen ngợi, ít nhất hãy cảm kích thời gian và nỗ lực mà creative đã bỏ ra khi làm việc. Nên ĐỪNG ĐẢ KÍCH.
2. Chọn thời điểm thích hợp
Đừng phục kích creative bằng nhận xét bộc phát nhất thời. Dù có ý kiến, muốn chê bai ngay khi thấy bản thiết kế còn trên máy tính của họ, vẫn nên kiềm lại và đặt một lịch hẹn họp riêng vấn đề này. Suy nghĩ kỹ trước khi nói không bao giờ thừa, nhất là khi nhận xét, xem xét kỹ thiết kế trước khi họp, không nên chỉ nhìn qua loa rồi feedback hời hợt và cảm tính. Hẹn trước cũng là cách để cho creative chuẩn bị tâm lý. Hãy lắng nghe và cởi mở. Chỉ nên hỏi ý kiến của 3-6 người chủ chốt để tránh sa đà và rối rắm. Nên NÓI ĐÚNG LÚC.
3. Hãy đặt câu hỏi
Điều gì tồn tại cũng đều có lý do. Trước khi yêu cầu chỉnh sửa, hãy hỏi và lắng nghe người "tạo-ra-nó" vì sao họ làm vậy. Ngành sáng tạo đôi khi cùng một nội dung và mục đích nhưng có muôn vàn cách thực hiện. Lắng nghe cũng thể hiện sự tôn trọng của chúng ta với team creative và thành quả của họ. Ngoài ra, thường thì khi đặt nhiều câu hỏi cũng là lúc chúng ta khám phá ra được nhiều góc cạnh và lợi ích khác mà không ngờ đến đấy. Nên hãy ĐẶT CÂU HỎI
4. Đưa ra hướng giải quyết cụ thể cho từng feedback
Người sáng tạo sẽ thích làm việc với người sáng tạo, biết kích thích sự sáng tạo, cảm nhận được và biết yêu sự sáng tạo. Dù bạn là khách hàng, account hay planning thì cũng phải là người thú vị, có xu hướng sáng tạo và hiểu mình đang làm gì. Hãy góp ý theo hướng từ chung chung đến cụ thể, và đưa ra hướng giải quyết rõ ràng cho từng trường hợp. Cần chỉ rõ vấn đề đang thấy không ổn, nếu chưa tìm ra nguyên nhân có thể nhờ người khác giúp đỡ hoặc tìm các case thiết kế tương tự đã thành công. Đừng bắt creative giải mã những gì mang tên “cảm thấy không ổn”. Nên RÕ RÀNG.
5. Tránh sử dụng các cụm từ mang tính cá nhân trong góp ý và đừng nói người sáng tạo phải làm gì
Mục tiêu của feedback là cho file thiết kế, không phải để thỏa mãn các ý kiến cá nhân. Hãy để creative thấy và hiểu được vấn đề họ đang giải quyết là quan trọng, có ý nghĩa và họ cũng rất quan trọng.
Đừng nói “Anh dùng sai font rồi”, hãy nói “Hình như font này không đúng thì phải?”. Quy tắc này áp dụng cho cả người góp ý là chính bạn, bởi thiết kế có mục đích phục vụ người dùng chứ không để thỏa mãn sở thích của riêng ai.
Đừng nói: “Tôi không thích màu vàng”, hãy nói: “Mọi người sẽ thấy màu vàng là không đủ trang trọng”. Ngoài ra, hãy tham khảo các case trước đây để củng cố cho nhận xét; ví dụ như thay vì nói: “Hãy rút ngắn nội dung xuống 100 từ”, bạn hãy góp ý: “Theo tôi nhận thấy thì các nội dung ngắn trước đây cho hiệu quả cao hơn. Chúng ta có thể rút ngắn nội dung xuống 100 từ được không?". Nên CHUYÊN NGHIỆP.
6. Viết ra các feedback
Để tiết kiệm thời gian và dễ dàng hơn cho creative, hãy ghi lại các góp ý. Với các góp ý qua điện thoại hoặc trong cuộc họp, hãy tóm tắt lại nội dung và gửi lại qua email hoặc share lại trên server chung, google drive, dropbox,… Ưu điểm của cách này còn để giúp dễ kiểm tra lại tiến độ chỉnh sửa và xem có thiếu sót hoặc nhầm lẫn gì không. Trong góp ý, tốt nhất hãy liệt kê các bước thực hiện, mốc deadline cụ thể. Nên VIẾT RA.
7. Tập trung các feedback cùng một lúc
Mọi người sẽ có cách nhìn và ý kiến khác nhau. Nhận được những feedback trái ngược từ nhiều nguồn sẽ làm khó cho creative. Khi có nhiều người cùng quyết định, hãy tham khảo và cho ý kiến cùng lúc. Nên FEEDBACK MỘT LẦN.
Tóm lại, góp ý hiệu quả sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ tốt với team creative, tiến độ của dự án sẽ tốt hơn, và kết quả cuối cùng sẽ hoàn hảo hơn nếu các bên cùng tìm được tiếng nói chung.
Nguồn: ScribbleLive | Biên dịch & Biên tập: SDmedia