Bạn là ai trong ngành thiết kế đồ họa in ấn? (Phần 3)

Chủ đề: , ,

Trong 2 phần đầu tiên của chuỗi bài blog “Bạn là ai trong ngành thiết kế in ấn?”, chúng ta đã tìm hiểu xong về “Các cấp bậc chính trong ngành” và “Các vị trí mang tính chuyên môn cao”. Trong bài viết cuối, chốt lại những thông tin nghề nghiệp của ngành, SDmedia xin giới thiệu đến các bạn chủ đề đang được quan tâm nhiều nhất:

Các vị trí Quản lý cấp cao, Chăm sóc khách hàng và Chuyên viên sản xuất in ấn

Nhìn chung, ngành Thiết kế đồ họa in ấn khái quát bao gồm các công việc : Giám đốc sáng tạo (Creative Director, người đề ra các ý tưởng), Giám đốc nghệ thuật (Art Director, có nhiệm vụ hiện thực hóa ý tưởng), Nhà thiết kế (Designer, thực hiện sản phẩm bằng công cụ máy tính), Kỹ thuật viên (in ấn, thợ thi công…). Những công việc này đòi hỏi liên kết chặt chẽ và hiểu biết đầy đủ của từng bộ phận, đặc biệt các Quản lý cấp cao & Chuyên viên Kỹ thuật càng cần có nhiều kiến thức chuyên ngành, được đào tạo bài bản và kinh nghiệm chinh chiến nhiều năm. 

Art Director/Creative Director (AD/CD) - Giám đốc nghệ thuật/Giám đốc sáng tạo

Mô tả công việc: Là những vị trí cao nhất, có vai trò quan trọng, họ chịu trách nhiệm định hướng các ý tưởng lớn, những cái nhìn toàn cảnh và triển khai lại cho nhân viên dưới quyền. Nếu đội ngũ thiết kế là một dàn nhạc giao hưởng thì AD/CD chính là nhạc trưởng. Cụ thể với lĩnh vực in ấn, các thiết kế trong công ty đều cần họ duyệt qua, là người ra quyết định cuối cùng nhưng họ không trực tiếp làm việc trên file thiết kế.

art director

Tại sao cần nền tảng về in ấn: Dù không trực tiếp làm việc trên file thiết kế, không phải bận tâm về các vấn đề như màu mực, loại giấy, ... nhưng AD/CD vẫn cần nhiều kiến thức về in ấn để hỗ trợ nhân viên cấp dưới khi cần thiết và đưa ra những quyết định cuối cùng.

Học vấn/kinh nghiệm: Tùy vào công ty tuyển dụng, nhưng yêu cầu thường thấy là cần có đầy đủ kỹ năng về mỹ thuật, thiết kế đồ họa (thậm chí là nhiếp ảnh), giàu kinh nghiệm (ít nhất 6 năm), có tư duy quản lý tốt và đào tạo được các designer dưới quyền. Kiến thức xã hội sâu sắc và vốn sống phong phú cũng là một lợi thế giúp bạn thăng tiến. Designer trung cấp/cao cấp sau một thời gian nỗ lực có thể thăng tiến lên nhưng cũng có trường hợp các công ty sẽ tuyển dụng người bên ngoài vào.

Mức lương tại Mỹ: Từ 62.750 đến 177.500 USD/năm

Ưu điểm:

  • Là vị trí mơ ước của các bạn sinh viên ngành thiết kế đồ họa, truyền thông cho đến những Designer đang làm việc tại Agency
  • Lương cao, với không gian sáng tạo gần như tuyệt đối.
  • Chỉ cần tập trung xây dựng chiến lược, việc lặt vặt sẽ có cấp dưới phụ trách.

Khuyết điểm:

  • Chịu nhiều áp lực về trách nhiệm và sự sáng tạo.
  • Chủ yếu tập trung quản lý và định hướng chiến lược nên sẽ không phù hợp nếu bạn chỉ yêu thích công việc thiết kế.
  • Do cần rất nhiều kinh nghiệm liên quan nên sẽ rất khó để đạt ngay vị trí này. Thường thì bạn phải bắt đầu từ các vị trí thấp hơn và nỗ lực thăng tiến lên.

Print Shop Manager - Quản lý sản xuất in ấn

Mô tả công việc: Quản lý sản xuất in ấn là người “gánh vác nhiều trách nhiệm”. Họ có thể là chủ doanh nghiệp hoặc là người đi làm thuê đại diện chủ doanh nghiệp quản lý xưởng in ấn. Họ chịu trách nhiệm cả trong kinh doanh, marketing cho đến tuyển dụng, quản lý nhân viên và làm việc với đối tác… với mục tiêu xưởng làm ăn hiệu quả và có lời.

print shop manager

Tại sao cần nền tảng về in ấn: Bạn không thể tồn tại ở xưởng in nếu không có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất in ấn. Để ứng tuyển vị trí này, hơn bất kỳ ai khác, bạn cần nắm rõ sản phẩm mình làm, phương pháp xử lý in ấn, chất liệu giấy, màu sắc và phương pháp pha tách mực. Bạn còn chịu trách nhiệm tuyển dụng và quản lý các designer trong xưởng, nên càng vững về kiến thức in ấn càng giúp bạn đánh giá chính xác được khả năng của nhân viên và quản lý hiệu quả hơn.

Học vấn/kinh nghiệm: Ít nhất bạn cần bằng cao đẳng/đại học về quản trị kinh doanh. Không dừng lại ở đó, để công việc phát triển, bạn phải không ngừng trao dồi kiến thức kinh doanh từ sách và các hội thảo chuyên môn - nơi thường xuyên cập nhật kiến thức về công nghệ in ấn, xu hướng và phương pháp quản lý mới nhất.

Mức lương tại Mỹ: 108.070 USD/năm

Ưu điểm:

  • Tự mình làm chủ và quản lý doanh nghiệp của chính mình. Nếu là người được thuê ngoài, bạn vẫn nắm quyền chủ động trong cuộc việc của mình.
  • Có thể kiếm được rất nhiều tiền nếu xưởng in làm ăn hiệu quả.

Khuyết điểm:

  • Công việc rất áp lực, cần nhiều vốn đầu tư ban đầu (nếu tự kinh doanh) và thường xuyên làm việc ngoài giờ (cả ban đêm và cuối tuần).
  • Rủi ro cao, đặc biệt nếu bạn quyết định kinh doanh một mình.

Print Shop Customer Service Representative – Nhân viên chăm sóc khách hàng

Mô tả công việc: Đây là một vị trí rất tốt để khởi đầu sự nghiệp trong ngành đồ họa in ấn với Designer. Các công ty thiết kế và sản xuất in ấn luôn cần người đại diện có thể nắm rõ kiến thức cần thiết về design và hiểu biết quy trình in ấn để làm việc với khách hàng - là cầu nối tư vấn giữa công ty và khách hàng, giúp họ chọn được giải pháp in ấn phù hợp với nhu cầu.

print shop customer service representative

Tại sao cần nền tảng về in ấn: Ngoài thiết kế, bạn cần nắm rõ quá trình in ấn để hỗ trợ, trả lời câu hỏi của khách hàng và giúp họ đưa ra các phương án in ấn tối ưu.

Học vấn/kinh nghiệm: Là vị trí sơ cấp nên không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Nhưng bạn càng có nhiều kiến thức tổng quan thì cơ hội tìm được việc càng cao. Hầu hết các xưởng in sẽ đào tạo thêm sau tuyển dụng, dù đa số sẽ đòi hỏi bạn có kiến thức về bán hàng/chăm sóc khách hàng. Kỹ năng giao tiếp tốt, cũng như kinh nghiệm làm việc trên những phần mềm thiết kế phổ biến là rất cần thiết.

Mức lương tại Mỹ: 38,850 USD/năm

Ưu điểm:

  • Vị trí sơ cấp với nhiều cơ hội thăng tiến và được đào tạo thêm.
  • Giờ làm việc linh động.
  • Có thưởng, hoa hồng ngoài lương chính.

Khuyết điểm:

  • Ít có cơ hội được làm công việc thiết kế.
  • Có thể rất áp lực do phải tiếp xúc với khách hàng và phải thường cập nhật các kiến thức mới về in ấn.

Kỹ thuật viên in ấn

Các công việc sau đây sẽ ít liên quan đến thiết kế mà thiên về kỹ thuật in ấn nhiều hơn.

Prepress Technician - Nhân viên chế bản

Mô tả công việc: Một nhân viên chế bản sẽ làm việc tại nhà in và chuẩn bị các bước trước khi in file. Công việc sẽ bao gồm thiết kế chế bản in, kiểm tra file, thực hiện các chỉnh sửa (nếu cần thiết), kiểm tra phim và bản in nhằm đảm bảo sản phẩm in ra đúng với yêu cầu thiết kế ban đầu.

prepress technician

Tại sao cần nền tảng về in ấn: In ấn là môi trường làm việc chính, do đó hơn ai hết bạn cần nắm rõ các quy trình in ấn, có kinh nghiệm với các lỗi in để có thể phát hiện các lỗi tiềm tàng. Nghề sẽ dạy nghề khi bạn bước vào môi trường này, tuy nhiên, càng nhiều kinh nghiệm thì bạn càng được đánh giá cao.

Học vấn và kinh nghiệm: Một số nơi có thể yêu cầu bằng cấp về thiết kế. Tuy nhiên, bạn có thể nộp đơn từ vị trí sơ cấp và được đào tạo thêm trong quá trình làm việc.

Mức lương tại Mỹ: Từ 23.351 đến 51.373 USD/năm

Ưu điểm:

  • Có thể là cánh cửa tuyệt vời để bước chân vào các nhà in.

Khuyết điểm:

  • Nhu cầu nhân sự cho công việc này đang giảm sút, do nhiều nhà in hiện nay có thể in trực tiếp trên file khách hàng gửi.
  • Rất áp lực – nếu bạn không thể phát hiện ra các lỗi sai trước khi in, sản phẩm in có thể bị hư hỏng toàn bộ.

Print Production Operator - Nhân viên vận hành in ấn

Mô tả công việc: Nhân viên ở vị trí này sẽ phụ trách các vấn đề kỹ thuật liên quan đến vận hành máy móc trong quá trình in ấn. Họ là người đảm bảo chất lượng của sản phẩm in.

Print Production Operator

Tại sao cần nền tảng về in ấn: Dù công việc này thiên về kỹ thuật nhiều hơn, nhưng kiến thức về in ấn vẫn rất quan trọng, ví dụ, họ cần biết quá trình in đang quá nhiều/quá ít mực và điều chỉnh ngay lúc đó.

Học vấn/kinh nghiệm: Công việc này yêu cầu đào tạo đặc biệt, và có các chứng chỉ cho thấy khả năng sử dụng thành thạo những máy in có trong xưởng. Hầu hết các nhà in sẽ nhận người mới vào làm và đào tạo thêm, nhưng cũng có trường hợp yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm trước đó. Một số kiến thức về thiết kế in ấn là cần thiết, nhưng thường không cần các chứng chỉ/bằng cấp chính thức về thiết kế.

Mức lương tại Mỹ: 40.237 USD/năm

Ưu điểm:

  • Nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.
  • Không cần bằng đại học.
  • Có kinh nghiệm trực tiếp về in ấn và cơ hội học hỏi những kỹ thuật in hiện có.

Khuyết điểm:

  • Môi trường làm việc ồn ào và căng thẳng.
  • Công nghệ in ấn luôn luôn phát triển, do đó bạn phải luôn cập nhật các kiến thức mới.

Print Finishing - Nhân viên thành phẩm

Mô tả công việc: Nhân viên thành phẩm sẽ hoàn thiện các sản phẩm in, ví dụ như đóng sách, gấp các sản phẩm in hoặc các công việc lặt vặt khác.

Tại sao cần nền tảng về in ấn: Nếu không cẩn thận và không nắm rõ một số kỹ thuật thành phẩm, bạn có thể làm hư hỏng các thiết kế của khách hàng. Bên cạnh đó, hiểu rõ quy trình làm thành phẩm sẽ giúp bạn thực hiện công việc thuần thục và hiệu quả hơn.

Học vấn/kinh nghiệm: Đây là một vị trí sơ cấp với rất ít đòi hỏi từ phía nhà tuyển dụng, chỉ cần có nền tảng về thiết kế in ấn thì chắc chắn bạn sẽ được nhận. Đa phần bạn sẽ được đào tạo thêm để lấy chứng chỉ sử dụng thiết bị máy móc mà bạn sẽ làm việc cùng.

Mức lương tại Mỹ: Từ 24.000 đến 36.000 USD/năm

Ưu điểm:

  • Không cần nhiều kinh nghiệm, và nhu cầu nhân sự cũng nhiều.
  • Cơ hội tốt để học hỏi về quy trình và công nghệ in ấn.
  • Có cơ hội thăng tiến lên các vị trí kỹ thuật.

Khuyết điểm:

  • Môi trường làm việc ồn ào và bận rộn với chuỗi công việc theo dây chuyền.
  • Cần nhiều sức lao động.
  • Lương thấp.

Kết 

Do tính chất đa dạng, nghề Thiết kế đồ họa in ấn đòi hỏi sự kết hợp nhiều kỹ năng, kiến thức chuyên môn mà một cá nhân không thể nào đảm đương nổi. Từ việc tập trung ý tưởng, định hướng sáng tạo, vẽ tay phác thảo, đến khi thể hiện, xử lý layout trên máy tính…, mỗi công việc là một mảnh ghép nhỏ dựng nên một tác phẩm nghệ thuật lớn, mang đậm dấu ấn công nghệ đồ họa hiện đại – thành phẩm in ấn cuối cùng.
Cơ hội nghề nghiệp luôn hiện hữu khắp mọi nơi, chỉ cần bạn biết rõ mình đang tìm kiếm điều gì. Hãy luôn luôn linh động và nắm bắt cơ hội ngay khi nó xuất hiện, dù đó chỉ là công việc freelance hay làm việc nhóm, biết đâu em gái của hàng xóm của dì bạn đang cần thiết kế logo cho công ty mới của cô ấy đấy! 

Bạn có những bí quyết về tìm việc muốn chia sẻ với chúng tôi? Hay bạn đang làm việc trong những công ty in ấn đáng mơ ước - hãy chia sẻ cách bạn đã ứng tuyển thành công!

Nguồn: companyfolders.com | Biên dịch & Biên tập: SDmedia 

Xem thêm:

Phần 1: General Hands-On Design Careers: Các cấp bậc chính của designer

Phần 2: Specialized Hands-On Design Careers: Các vị trí cần chuyên môn cao

« Bài trước
Bài tiếp »

Bài viết liên quan

Lưu trữ