Có nhiều lý do để một thương hiệu thay đổi logo. Đến một lúc nào đó, thương hiệu sẽ muốn định vị lại với những giá trị mới, làm mới nhận diện để theo kịp xu hướng của thời đại hay tăng tính linh hoạt để áp dụng trên nhiều nền tảng. Đó luôn là bài toán cho các agency để sáng tạo nên logo và bộ nhận diện mới làm hài lòng cả thương hiệu lẫn người tiêu dùng. Cùng xem họ đã làm điều đó như thế nào trong năm 2020 qua 11 case study sau nhé.
Heinz
Lần đầu trong 150, Heinz thực hiện một cuộc “đại trùng tu” nhằm đưa ra một master brand thống nhất trên toàn cầu với chủ đề “Simple Greatness”. Dự án lần này bao gồm điều chỉnh logo, bộ nhận diện thương hiệu bao gồm typeface riêng mang tên Heinz Label, danh sách các màu Pantone, cũng như chiến lược, bao bì và tông giọng.
Tham vọng của Heinz là tạo sự kết nối đặc trưng cho các yếu tố trong hệ sinh thái thiết kế của thương hiệu, và ứng dụng các hình ảnh đã trở thành bất hủ của mình theo những cách mới mẻ – như biểu tượng “keystone” được dùng làm khung cho ảnh chụp sản phẩm.
Adobe
Dù không phải một sự thay đổi lớn, nhưng việc điều chỉnh font chữ và tạo hình logo cô đọng hơn cũng đã mang lại một làn gió mới cho thương hiệu Adobe. Adobe cho biết sự thay đổi này nhằm đảm bảo tính ứng dụng linh hoạt của logo ở mọi kích thước và mọi bề mặt. Với tầm nhìn này, họ đã chuyển sang logo đơn sắc màu đỏ – ngay cả màu đỏ cũng được làm mới, ấm hơn và hiện đại hơn.
BMW và Toyota
Cùng mục tiêu cập nhật logo cho phù hợp với các định dạng kỹ thuật số, hai ông lớn ngành công nghiệp xe hơi là BMW và Toyota đã lần lượt “làm phẳng” và tinh giản biểu tượng đại diện của mình. Ngày càng khẳng định nhận diện thương hiệu ở Châu Âu, hãng xe Nhật quyết định bỏ luôn dòng chữ Toyota và chỉ giữ lại một biểu tượng đơn giản quen thuộc. Các logo mới này sẽ xuất hiện chủ yếu trên các thiết kế truyền thông 2D như online và in ấn, với dáng vẻ đương đại, dễ tích hợp.
Nissan
Với tiêu chí “mỏng, nhẹ, linh hoạt”, Nissan loại bỏ các chi tiết kim loại “đóng hộp” lấy dòng chữ tên thương hiệu và thay bằng các đường nét mảnh, thoáng. Cũng như một số hãng xe hơi khác vừa làm mới logo của mình, logo Nissan cũng phẳng và tinh giản hơn nhằm dễ tương thích với các kênh kỹ thuật số. Không dừng lại ở đó, logo mới của Nissan sẽ xuất hiện trên các dòng xe điện tương lai của hãng, và sẽ được thắp sáng bằng đèn LED tạo cảm giác cực sang trọng và hiện đại.
Popeyes
Popeyes tung ra diện mạo mới hiện đại và trưởng thành hơn nhưng vẫn giữ được tinh thần của mẫu logo cổ điển. Hệ thống màu thu gọn lại chỉ còn một màu cam tươi, font chữ được điều chỉnh gọn gàng hơn và biểu tượng chú gà được khéo léo đưa vào nhận diện thương hiệu biến đây thành một trong những ca “thay áo” thành công nhất năm 2020.
Durex
Khi Durex tái định vị thương hiệu với mục tiêu xây dựng kết nối cảm xúc mạnh mẽ hơn và vận động cho những quan niệm tích cực về sex, logo của họ cũng kịp thời được làm mới. Durex đã thay thế logo cũ mang màu sắc y tế bằng một logo nét đơn, phẳng, gọn, thoải mái. Khung hình con nhộng được giữ lại và mở rộng ứng dụng, kết hợp trong một số key visual của các chiến dịch quảng cáo. Họ còn tung ra bộ font mới tên là “One Night Sans” (lol).
TripAdvisor
Trang web đánh giá du lịch vẫn biểu tượng con cú đặc trưng nhưng làm phẳng màu sắc logo để có một hệ thống nhận dạng linh hoạt và nổi bật hơn. Thay đổi này không làm “bay màu” thương hiệu, mà ngược lại, Tripadvisor vẫn làm rất tốt việc truyền năng lượng và cảm giác háo hức vào nhờ phông chữ viết hoa và in đậm mới.
AirAsia
AirAsia định vị lại thương hiệu cho nền tảng online của mình bằng việc tung ra diện mạo mới: logo airasia.com chữ đỏ viết thường, in nghiêng và đậm. Thay đổi này đánh dấu việc AirAsia chuyển đổi từ một hãng hàng không giá rẻ thành một nền tảng kỹ thuật số toàn diện về phong cách sống. Ứng dụng di động và trang web của họ được nâng cấp thành một siêu ứng dụng, cung cấp hơn 15 dịch vụ ở 3 hạng mục du lịch, thương mại điện tử và công nghệ tài chính. Tagline “Now Everyone Can Fly” cũng được đổi thành “For Everyone”.
Google Workspace
Google G Suite đổi tên thành Google Workspace và thay một loạt logo cho các ứng dụng Gmail, Calendar, Drive, Doc, Meet… Loạt logo mới mang đậm chất Google với bảng màu quen thuộc, đáp ứng nỗ lực thống nhất ngôn ngữ hình ảnh cho các ứng dụng thuộc cùng hệ thống. Nhưng với người dùng, sự thay đổi này chẳng khác gì một thảm họa – các biểu tượng trở nên gượng ép, sặc sỡ một cách ngớ ngẩn, rối mắt và khó phân biệt.
Dictionary.com
Dictionary.com và trang web anh em Thesaurus.com muốn phát triển nhận diện mới, trở thành cánh cổng mở ra “một thế giới trên cả ngôn ngữ”. Logo mới của họ đã xuất sắc truyền tải ý nghĩa này với hình ảnh cánh cửa mở kết hợp trong chữ D và chữ T in đậm. Hai biểu tượng này cho phép ứng dụng một cách linh hoạt và bắt mắt trên mọi nền tảng hay trong các thiết kế truyền thông, đồng thời kết nối tốt với mọi đối tượng người dùng: sinh viên học sinh, giáo viên, nhà văn và người học tiếng Anh.
SDmedia tổng hợp từ nhiều nguồn.
Theo dõi SDmedia trên:
Facebook: https://www.facebook.com/sdmedia.vn
Pinterest: https://www.pinterest.com/sdmediavn