Copy không đơn giản chỉ là một lời giới thiệu sản phẩm. Mọi câu chữ bạn viết, dù là trên landing page, email quảng cáo hay tờ rơi đều cần được gọt giũa để phục vụ cho một mục đích – đó là thu hút sự chú ý của người đọc và thuyết phục họ mua sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Không chỉ vậy, bạn cũng cần nhớ rằng mỗi kênh quảng bá lại tiếp cận khán giả ở những bối cảnh khác nhau với hành vi đọc khác nhau.
Vậy đối với website, bạn cần viết copy như thế nào cho hiệu quả và tăng tỷ lệ chuyển đổi? Mười mẹo sau đây sẽ giúp bạn!
1. Xác định khán giả
Copy hiệu quả tập trung vào nhu cầu của khách hàng và làm rõ vì sao sản phẩm hay dịch vụ của bạn là giải pháp tốt nhất cho họ. Khi đó bạn sẽ thu về doanh số. Nhưng trước hết bạn cần biết mình đang tiếp cận đối tượng nào.
Có một phương pháp để xác định khán giả, đó là xây dựng một số hình mẫu khách hàng mục tiêu hay buyer persona. Hình mẫu này mang những điểm đặc trưng của nhóm khách hàng tiềm năng của bạn, như tầng lớp xã hội, ngành nghề, tình trạng hôn nhân, tuổi, địa bàn v.v…
Chẳng hạn doanh nghiệp của bạn chuyên về sản phẩm và phụ liệu đan móc cao cấp cho em bé, một trong những hình mẫu khách hàng bạn có thể tạo ra là: một người bà thích đan móc đang muốn tự tay làm món đồ gì đó tặng cháu mình nhân dịp thôi nôi.
Bằng cách nhân hóa đối tượng khách hàng, bạn có thể tưởng tượng mình đang trò chuyện với người này để viết được những copy gần gũi và đúng nhu cầu của họ hơn.
2. Tạo sự kết nối
Hãy trò chuyện trực tiếp với khán giả của bạn bằng cách dùng các từ “bạn” hay “của bạn”. Điều này không những giúp xóa đi chiếc màn hình đang chắn giữa bạn và người đọc, mà còn thể hiện bạn đang dành sự chú ý cho họ và quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu của họ.
Hãy xem ví dụ từ rover.com, trang chuyên tìm kiếm dịch vụ trông nom thú cưng. Bên cạnh liệt kê các dịch vụ như Khách sạn chó mèo hay Dắt chó đi dạo, thông qua các dòng mô tả ngắn bên dưới: “Lựa chọn tuyệt vời khi bạn cần gửi thú cưng qua đêm” hay “Bất cứ khi nào cún cưng của bạn cần đi dạo”, Rover đã tạo được cảm giác kết nối hơn với người đọc. Đó là sức mạnh của việc kể chuyện ở góc nhìn ngôi thứ hai.
3. Dùng số liệu để minh họa
Hãy xem 2 ví dụ sau đây:
1. Trong thị trường ngày nay, content marketing đã trở thành một mảng đầu tư quan trọng cho các doanh nghiệp.
2. Chi phí cho content marketing thấp hơn paid search 41%. Hơn nữa, sau 3 năm, một nội dung đã đăng tải sẽ đem lại lượng khách hàng tiềm năng nhiều hơn gấp 300% so với paid search.
Hẳn bạn cũng nhận thấy ví dụ 2 nghe thuyết phục hơn. Số liệu mang tính thuyết phục cao vì chúng cụ thể và có thể xác minh được. Nhưng bạn nên lưu ý, số liệu chỉ là thông tin minh họa chứ không bao giờ là thông điệp chính. Dùng quá nhiều số liệu sẽ khiến copy của bạn nghe khô cứng đấy.
4. Dùng từ chỉ hành động
Nếu bạn muốn có nhiều người mua hàng, đăng ký hay liên hệ với bạn để hỏi thêm thông tin, đừng đợi đến đoạn call-to-action mới bắt đầu kêu gọi.
Hãy rải những từ chỉ hành động xuyên suốt copy của bạn. Đừng chỉ mô tả tính năng sản phẩm, mà hãy vẽ nên một bức tranh khiến người đọc hình dung mình đang thực hiện một hành động hay đạt được điều gì đó nhờ công dụng và lợi ích của sản phẩm.
Ví dụ, thay vì mô tả “đây là hệ thống dây chuyền nhanh nhất trên thị trường”, hãy thử “với hệ thống dây chuyền siêu tốc này, bạn sẽ sản xuất ra lượng sản phẩm nhiều hơn 30% so với một công ty bình thường.”
5. Viết đơn giản, súc tích
Bạn chỉ có vài giây để thuyết phục một người truy cập rằng trang web của bạn đủ hấp dẫn để đọc tiếp – nhưng bạn sẽ không làm được điều này nếu bạn viết quá dài và phức tạp. Hầu hết khách truy cập chỉ đọc 20% nội dung trang web và con số này còn tỷ lệ nghịch với lượng nội dung trên trang. Nói cách khác, bạn viết càng nhiều, người ta đọc càng ít.
Vì vậy, hãy dùng ngôn ngữ đơn giản để truyền tải ý của mình đến người đọc, và lược bỏ những từ ngữ rườm rà không có tác dụng củng cố thông điệp hay đem lại thêm giá trị gì cho người đọc.
6. Tư duy SEO
Các thuật toán của công cụ tìm kiếm không ngừng thay đổi để đem lại kết quả tốt hơn. Ngày nay, Google chú trọng các nội dung chất lượng và có giá trị với người đọc nên SEO không còn đơn giản là dồn keyword càng nhiều càng tốt vào bài viết.
SEO là một lĩnh vực không hề đơn giản, nhưng bạn có thể bắt đầu bằng cách áp dụng một số mẹo sau:
- Xác định khách hàng của bạn đang tìm kiếm những gì và như thế nào
- Đưa các từ khóa vào bài viết một cách tự nhiên
- Viết tiêu đề và đoạn mô tả hiển thị trên kết quả tìm kiếm (meta title & description) hấp dẫn để thu hút truy cập
- Thêm đường link nội bộ (internal link) vào bài viết, dẫn đến các bài liên quan trong website của bạn
- Có nút chia sẻ bài viết trên mạng xã hội
- Quan sát đối thủ của bạn đang làm thế nào
7. Tiêu đề thu hút
Theo David Ogilvy, cứ 5 người đọc tiêu đề thì mới có 1 người đọc nội dung bài viết. Con số này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một tiêu đề hấp dẫn để thu hút người đọc click vào đường link.
4 mẹo sau đây sẽ giúp bạn viết tiêu đề hiệu quả hơn:
- Cho người đọc biết họ sẽ được lợi ích gì từ sản phẩm, dịch vụ hay bài viết của bạn
- Nhớ bao gồm cụm từ tìm kiếm mục tiêu (target search term)
- Thông điệp phải cụ thể
- Đánh vào cảm xúc của người đọc
8. Tận dụng bằng chứng xã hội
Người tiêu dùng hiện nay tin vào các đánh giá và lời khuyên dùng sản phẩm – thậm chí là từ người lạ trên mạng – hơn là lời quảng cáo từ nhà cung cấp. Thống kê cho thấy phản hồi từ những khách hàng khác có sức thuyết phục đến mức 94% người mua sắm online cho biết họ sẽ tránh xa một doanh nghiệp nếu họ đọc được một đánh giá tiêu cực.
Điều này nghĩa là bạn có thể thêm bằng chứng xã hội vào copy của mình để tăng sức thuyết phục. Cụ thể:
- Thêm đánh giá của khách hàng vào landing page
- Tạo một trang riêng về “Nhận xét của khách hàng”
- Thường xuyên cập nhận những review mới
- Thỉnh thoảng thêm vào các review trung bình hoặc chê bai. Theo trang Reevoo, 68% người đọc cảm thấy tin tưởng vào các review hơn khi có cả những điểm cộng và điểm trừ.
9. CTA rõ ràng
Bạn cần một lời kêu gọi hành động (call-to-action) rõ ràng để hướng người đọc đến bước tiếp theo. Tránh dùng từ ngữ mơ hồ như “Tiếp theo” hay “Tiếp tục” vì chúng không cho biết chuyện gì sẽ xảy ra khi người đọc click vào link. Thay vào đó, hãy viết CTA rõ ràng với những động từ mang tính kêu gọi như:
- Nhận báo giá miễn phí ngay
- Đăng ký nhận bản tin
- Xem sản phẩm mới ngay
10. Thúc đẩy tâm lý người đọc
Tâm lý học là bạn thân của người làm marketing. Có rất nhiều hiệu ứng tâm lý bạn có thể vận dụng để tăng tỷ lệ chuyển đổi. Hãy thử với 2 cách sau:
Hiệu ứng khan hiếm và tránh bỏ lỡ
Đây là lý do bạn thường xuyên thấy những câu như “Chỉ còn 3 cái!” “Khuyến mãi chỉ trong hôm nay” hay “Free ship cho đơn hàng đặt trong hôm nay”. Khi mọi người tin rằng ưu đãi có hạn hay lượng hàng khan hiếm, họ cảm thấy sự thôi thúc phải có được nó để tránh vuột mất cơ hội tốt.
Hiệu ứng ấn tượng đầu tiên và ấn tượng mới nhất
Hãy mở đầu bằng thông tin quan trọng nhất – đó là lời khuyên rút ra từ hiệu ứng đầu tiên. Còn hiệu ứng ấn tượng mới nhất nói rằng người đọc thường lưu lại trong đầu thông tin mà họ đọc được gần đây nhất. Để vận dụng 2 hiệu ứng tâm lý này, hãy đặt những thông tin thuyết phục nhất hay những đặc điểm ưu việt nhất ở phía đầu và phía cuối copy của bạn.
Copy hiệu quả có thể giúp tăng lượng truy cập và tăng tỷ lệ chuyển đổi cho website. Hãy rút ra kết luận của chính bạn bằng cách thử lần lượt một vài mẹo trên, sau đó theo dõi số liệu xem cách nào là hiệu quả nhất với bạn. Nhưng đừng quên rằng thế giới marketing không ngừng chuyển động, vì vậy bạn hãy liên tục cập nhật và điều chỉnh phương pháp của mình nhé.
Theo Forbes:
https://www.forbes.com/sites/allbusiness/2019/07/02/copywriting-tips-boost-website-conversions
Theo dõi SDmedia trên:
Facebook: https://www.facebook.com/sdmedia.vn
Pinterest: https://www.pinterest.com/sdmediavn/