Khi nói về tính chất công việc của graphic designer, người ta chia ra làm 3 loại: in-house, agency và freelance. In-house graphic designer là những designer làm việc xuyên suốt cho một công ty hoặc thương hiệu nhất định. Hình thức làm việc có thể độc lập hoặc theo nhóm, nhưng họ cần những kỹ năng đa dạng để đáp ứng yêu cầu của công ty/thương hiệu đó.
Giao tiếp là kỹ năng quan trọng nhất
Cách thức diễn đạt về ý tưởng còn quan trọng hơn chính ý tưởng. Nếu một ý tưởng được bạn trình bày một cách rõ ràng qua nhiều hình thức khác nhau (không chỉ giới hạn trên mẫu thiết kế, mà còn trong email, dự thảo, thuyết trình và hội nghị), cấp trên sẽ đánh giá cao và tôn trọng bạn hơn. Giao tiếp kém sẽ khiến bạn khó thăng tiến trong nghề nghiệp. Nếu bạn có tính cách hướng nội, hãy rèn luyện khả năng viết và thuyết trình nhiều nhất có thể, đồng thời xây dựng sự tự tin để bản thân dạn dĩ hơn trong giao tiếp.
Luôn xây dựng và chứng tỏ giá trị của bản thân
Nếu muốn được tăng lương hoặc có mức lương cao ở một công ty khác, bạn cần liên tục hoàn thiện và chứng minh giá trị của mình. Để đạt được một điều gì đó, bạn cần thoải mái yêu cầu điều mình muốn, thông qua những nỗ lực hoàn thiện bản thân. Nếu bản thân không có gì tiến bộ trong kỹ năng hoặc không tạo ra những sản phẩm thiết kế tốt hơn trong 6 tháng hoặc 1 năm làm việc, bạn sẽ không tự tin khi yêu cầu tăng lương. Ngược lại, nếu bạn cải thiện tốt chất lượng và phạm vi công việc, đề nghị tăng lương sẽ dễ dàng hơn rất nhiều sau những lời khen của sếp.
Xây dựng danh tiếng ngoài công ty
Hãy là người đi đầu trong các tác phẩm có giá trị. Hãy tạo mối liên quan giữa bạn và những dự án thành công hoặc các kết quả mỹ mãn. Bạn cần trở thành người đáng tin cậy nhất để sếp giao việc. Để đạt được điều này, bạn cần đặt những câu hỏi thông minh và không ngại khó khăn để mang lại kết quả công việc tốt nhất. Hãy tạo lập các mối quan hệ bằng cách giúp đỡ người khác dù người ta không yêu cầu bạn. Quan tâm chân thành đến công việc của mọi người và ra tay giúp đỡ họ.
Luôn nhớ: tránh ngồi lê đôi mách, không than phiền khi bày tỏ những mối quan tâm và luôn luôn tìm hướng giải quyết tích cực nhất.
Đừng ngại kết nối
Nhiều designer rất ngại phải giao tiếp với người khác, họ chọn cách vùi đầu vào công việc và biện minh rằng mình sống rất khép kín. Tuy nhiên, để thành công trong sự nghiệp, bạn cần chấp nhận thử thách và bước ra khỏi vùng “an toàn” của bản thân. Khả năng tất nhiên rất quan trọng, nhưng làm sao người khác biết được khả năng của bạn, hay tác phẩm đó có phải của bạn hay không khi bạn thậm chí còn vô hình với họ? Hãy để bạn hiện diện trong tâm trí mọi người vì như vậy sẽ mang đến nhiều cơ hội. Ngoài ra, cũng nên mở rộng mối quan hệ càng nhiều càng tốt vì có thể bạn sẽ có cơ hội làm việc tốt hơn, hoặc biết đâu bạn cần tìm một công việc khác trong tương lai.
Xác định rõ các bước đi trong sự nghiệp
Nhiều designer không biết cần phải làm những gì sau này, do đó họ không bao giờ tiến bộ. Không chỉ đơn giản là xác định chức vụ cuối cùng sẽ thăng tiến, mà bạn cần dành nhiều thời gian suy nghĩ về những điều mình thật sự mong muốn trong ngành nghề này. Bạn cũng cần xác định phong cách và định hướng sống của bản thân. Nếu muốn lập gia đình hoặc chuyển chỗ ở đến thành phố khác, bạn cần xem xét các yếu tố này khi xây dựng và lựa chọn sự nghiệp.
Cập nhật hồ sơ và portfolio
Đừng hài lòng và bỏ quên hồ sơ năng lực (porfolio) của mình, hãy cập nhật nó ít nhất hai lần mỗi năm. Nếu có portfolio online, hãy cập nhật nó theo từng quý (3 tháng) tuỳ thuộc thời gian và khối lượng công việc cho phép. Bằng cách này bạn sẽ chứng minh được rằng, năng lực của bạn đang hoàn thiện theo thời gian, và bạn là người năng động, luôn học hỏi. Có thể bạn phải tìm một công việc khác trong tương lai; khi đó bạn sẽ tốn nhiều thời gian hơn để chuẩn bị khi đó nếu những thông tin này không được cập nhật. Ngoài ra, cập nhật thông tin là cách tốt để nắm bắt nhiều cơ hội mới, và mang lại cho bạn sự tự tin khi thương thảo các vấn đề lương bổng với nhà tuyển dụng.
Nguồn: rasmussen.edu, creativepro.com | Biên dịch & Biên tập: SDmedia